top of page

Thư gửi bạn trẻ 01

“Với CV có kinh nghiệm làm leader thì sẽ được nhà tuyển dụng chú ý hơn. Nhưng nếu mình chưa có kinh nghiệm làm leader ở 1 project thì làm sao để gây ấn tượng nhà tuyển dụng ạ?”

(Trích 1 câu hỏi của 1 bạn SV trong event của #blead2003#BEC gửi mình vừa qua)


Bạn thân mến,


(Nhắn gửi trước khi đọc thư: Để trả lời cho câu hỏi của bạn, mình nghĩ sẽ cần một hành trình dài tự học – tự hành – tự chiêm nghiệm đúc kết. Nên lá thư này rốt cuộc cũng chỉ là vài dòng tâm sự với bạn – cũng như mình đang hồi tưởng lại với chính mình 20 năm về trước, bạn nha?)


Mình nghĩ trong câu hỏi của bạn cũng đã có sẵn câu trả lời: “chưa có kinh nghiệm làm điều gì đó thì không gây ấn tượng được.” Do đó, muốn gây ấn tượng thì phải có kinh nghiệm. Bạn không thể cho người khác điều gì bạn không có, trong trường hợp này – bạn không thể chứng minh cho người khác về khả năng bạn không có.


Giải pháp cũng đã nằm sẵn trong câu hỏi của bạn:

(1) Phải đi tìm một project để lead – sau đó tạo ra kết quả bằng nỗ lực của mình – từ đó tự tin để show cho nhà tuyển dụng thấy.

(2) Không có project để lead, vậy bạn phải chứng mình điều gì khác bạn đã lead được cho NTD thấy?


Để nói giải pháp 1: Câu hỏi đặt ra sẽ là: “làm thế nào để có project để lead?”


Thực sự nói về các project mà giới trẻ sinh viên đang làm, mình hẳn thiếu kinh nghiệm hơn các bạn. Thời đi học đại học của mình 20 năm về trước, mình chỉ học môn quan trọng, môn gì chán là mình nghỉ học đi hát karaoke ở Hana quận 10 giá 10 nghìn/1 giờ khản cổ thì về. Nhưng thời đó thực sự mình chả nghĩ nhiều đến chuyện: mình muốn trở thành người như thế nào? Mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp? mình muốn làm ở công ty tầm cỡ nào? (không phải vì mình giàu sang cocc, mà đơn giản vì thời đó chẳng ai hỏi mình những câu hỏi quan trọng như vậy cả và mục tiêu mình đi học chỉ là “không thi lại” thôi)


Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, khi mình làm Mentor cho các bạn sinh viên, mình thấy một sự khác biệt rất lớn với thời mình – đó là các bạn SV rất năng nổ trong các hoạt động. Thời gian tham gia các CLB có khi tương đương, hoặc có khi được các bạn đầu tư còn hơn thời gian học khi không phải 1 CLB mà tham gia đến 2-3 CLB một lúc.


Hôm rồi mình còn được gặp 2 bạn trẻ hàng C-level của công ty do các bạn start up gọi vốn trong cả Shark Tank với ý tưởng kinh doanh đầy tính nhân văn và thực tiễn mà xuất phát điểm là sự đam mê và nhiệt huyết của từng cá nhân.


Các Mentee của mình – người thì tham gia project Donate sách, người thì tham gia project Săn Học Bổng, người thì tham gia CLB truyền thông, người thì CLB MKT, CLB nhảy…


Điều mình nhận thấy được là nếu bạn muốn có project – bạn phải biết bản thân mình khao khát muốn làm điều gì? Lý do bạn muốn làm là gì? Bạn sẽ kiếm ở đâu cộng đồng là những người chung ý tưởng – chung mục tiêu trong các mối quan hệ xung quanh mình?


Để nói giải pháp 2: Giải pháp 1 là mong muốn của bạn. Còn khía cạnh nhà tuyển dụng thì thế nào? Mình đã từng làm ở tập đoàn văn hóa châu Á, công ty đa quốc gia Châu Âu, mình cũng từng là Nhà tuyển dụng trong các hoạt động tuyển dụng thành viên cho team mình, cho tổ chức của mình. NTD chuyên nghiệp sẽ không yêu cầu những tiêu chí vô lý: yêu cầu khả năng leadership (mà có khả năng bạn đang hiểu là lãnh đạo dự án tương đương với quản lý đội nhóm) đối với một bạn sinh viên.


Do đó, bạn cần hiểu rõ “khả năng leadership” mà NTD yêu cầu cụ thể là khả năng gì? Ẩn ý gì đằng sau yêu cầu/đánh giá cao khả năng đó ở một bạn sinh viên non trẻ? NTD trông đợi điều gì ở khả năng leadership của bạn? Và nếu bạn chưa có kinh nghiệm lead dự án, bạn có khả năng lead gì khác để show cho NTD thấy?


Để trả lời những câu hỏi trên, bạn lại phải quay lại TÌM HIỂU khái niệm “leadership” là gì?


Và rồi nếu bạn chưa có kinh nghiệm lead project, vậy trước khi lead project với một nhóm nào đó, bạn đang THỰC HÀNH lead bản thân như thế nào? Bạn đã nỗ lực trên hành trình self leadership như thế nào?


Và rồi bạn đang tạo được những ảnh hưởng tích cực nào – truyền cảm hứng như thế nào – hợp tác hỗ trợ người khác như thế nào?

Và KẾT QUẢ của các nỗ lực đó là gì? Bài học nào bạn đúc kết ra được cho bản thân?


Đọc lui đọc tới cũng lá thứ này cũng hơi dài, nên mình tóm gọn như sau:


Nếu bạn đang bắt đầu hoặc đang trong quá trình tìm hiểu về một công việc ở một tổ chức nào đó:

1) Hãy tìm hiểu NTD mà bạn đang apply mong đợi, yêu cầu cụ thể những gì?

2) Hãy tìm hiểu mình đang đáp ứng những mong đợi, yêu cầu đó ở những điểm nào?

3) Từ đó hãy thử xem mình đang có những gap (thiếu & yếu) nào chính xác giữa (1) và (2) ở trên.

4) Hãy vạch kế hoạch để rút ngắn những gap đó.


Tip của mình là: đừng vội đánh giá bề mặt vấn đề mình đang đối diện và nhảy bổ vào giải pháp. Hãy phân tích, tư duy thật kỹ để tìm hiểu vấn đề cốt lõi, từ đó giải pháp hữu hiệu sẽ tự động xuất hiện.

Bạn thân mến, để dừng bút, ý nhầm, dừng gõ bàn phím ở đây, mình trích dẫn một câu trong cuốn sách mình đang đọc “Đại học không lạc hướng” của Lý Thượng Long – tác giả trẻ Trung Quốc viết dành cho các bạn trẻ (mà mình thấy có thể liên quan đến câu chuyện của bạn và mình): “Thế giới này căn bản không quan tâm đến bạn nỗ lực bao nhiêu, mà chỉ quan tâm bạn có thành tựu nào hay không, quan tâm đến hiệu quả của sự nỗ lực của bạn. Chỉ có kết quả tốt mới được người đời chú ý”.


Chào đón bạn đến thế giới của những người trưởng thành.






bottom of page