top of page

Bạn có biết "người bạn cùng phòng" của bạn?


Tại sao bảo hiểm nhân thọ cần thiết vậy mà không ai ý thức được mà lại còn chê bai? Tại sao coaching hữu ích và hiệu quả vậy mà những người có vấn đề họ không nhận ra và thuê coach nhỉ? Tại sao việc bảo vệ sức khỏe quan trọng vậy mà họ lại ăn uống vô độ không khoa học thế nhỉ?


Phải chăng đó là 3 câu hỏi lớn của những người cho rằng mình có sứ mệnh “có ích cho người khác”?


Mình – với công việc làm Coach gần 5 năm, cũng đã từng đau đáu câu hỏi số 2 sau khi học và thực hành coach được một thời gian. Nhìn đâu cũng thấy người khác có vấn đề - thấy họ tự giải quyết vì ko muốn tốn tiền thuê coach – thấy họ vật vã dù đã muốn tự giải quyết trong một thời gian dài. Và hỏi “tại sao họ lại như vậy nhỉ” Nhưng mình đã bỏ suy nghĩ đó, vì tình cờ đọc về “Người bạn cùng phòng” trong quyển “Cởi trói linh hồn” của Michael A.Singer. Mình đọc cuốn nà 2 năm về trước, hôm nay quyết định đọc lại lần 2, và ngồi reflect, hi vọng giải đáp được chút xíu nào đó cho những ai có những câu hỏi tương tự ở trên theo kiểu “Tại sao họ không thấy A,B,C tốt đẹp như mình thấy nhỉ?”

---

Bạn vừa lướt tin hot trên mạng về 1 celeb livestream khóc lóc vì bị lừa trong hợp đồng bảo hiểm. Mới 5 phút trước bạn vừa nói chuyện với nhỏ bạn về ý định mua bảo hiểm xong. Bản tin đó đột nhiên làm bạn khựng lại. “U là trời, nghe ghê vậy. Celeb nổi tiếng mà cũng bị lừa sao? Sao ai cũng nói bảo hiểm quan trọng và thiết thực? Mình có nên mua không trời? Công ty này cũng lớn lắm mà ta, sao làm ăn như thế? Chắc thôi khoan mua, để nghiên cứu thêm đã. Nhưng nếu không mua thì có bị rủi ro không nhỉ? Lỡ có chuyện gì thì sao, tâm linh không đùa được đâu. Nhưng mà bảo hiểm phải đóng mấy chục năm, quan trọng lắm chớ …” và tiếng nói trong đầu của bạn vang lên mọi nơi mọi lúc không ngơi nghỉ - như thể đó là tiếng nói của ai đó ngoài bạn, bạn có thể gọi đó là tiếng nói của người-bạn-cùng-phòng của bạn.

“Nếu một người ngoài đang nói điều này bên tai bạn, hẳn bạn sẽ lờ đi (thậm chí khó chịu). Nhưng với tiếng nói trong đầu bạn, bạn cảm thấy bạn mắc nợ tiếng nói đó một câu trả lời. Bạn cảm thấy cần phải thuyết phục tâm trạng đang lo lắng rằng đây là suy nghĩ cần thiết trong lúc này. Có nghĩa là bạn đang rất xem trọng mọi thứ xảy ra tác động đến thần kinh bên trong bạn”. Bạn biết nếu ko lắng nghe nó, nó sẽ quấy nhiễu bạn mỗi ngày trong cuộc sống: “Tôi đã bảo là mua đi mà khong nghe, giờ lại hối hận”.

Trong cơn rối bời đó, bạn trai của bạn gọi tới – người mà bạn vẫn đang trong quá trình chiến tranh lạnh vì đã thả thính với một cô gái khác hot hơn bạn. Bạn đột nhiên quên mất vụ bảo hiểm, “mình có nên nghe điện thoại của ảnh không? Tin nhắn thả thính đó hoàn toàn không chấp nhận được, nó khiến mình trở nên ngu ngốc và thấp kém kinh khủng, mình không quên được. Nhưng nếu không nghe điện thoại thì sao? Nhỡ ảnh giận ngược lại và chia tay với mình thì sao? Giờ sao trời? Nghe? Không nghe? Thôi nghe đại đi kẻo hối hận” và rồi bạn quên mất nỗi đau bị phản bội bạn mà bạn đang đau khổ khi tám chuyện với nhỏ bạn trước đó.

“Điểm mấu chốt không thể phủ nhận: Nếu tiếng nói này hiện lộ trong một con người thực thụ, và bạn phải mang theo người này khắp mọi nơi, bạn sẽ không thể chịu đựng anh ta lải nhải lèm bèm không ngơi dù chỉ một ngày. Nếu ai đó hỏi bạn người bạn cùng phòng này trông như thế nào, bạn sẽ trả lời: ‘Đây là một người bị rối loạn thần kinh nghiêm trọng’.”

“Trong trường hợp bạn phải sống chung với người bạn cùng phòng này ngày này qua tháng nọ, liệu bạn có nghĩ là mình sẽ tiếp tục tìm đến người này để xin lời khuyên không?” Sau nhiều sự chứng kiến về bệnh thần kinh liên tưởng, phản ứng thái quá, lan man vô độ như vậy, liệu bạn có xin người này tư vấn tài chính? Tư vấn phát triển bản thân? Tư vấn lối sống khỏe mạnh?

Thật ngạc nhiên, bạn lại đang làm điều đó mỗi ngày: lắng nghe tất cả tiếng nói của người bạn cùng phòng này mà quên mất những “tư vấn” đó đúng hay sai, đã được chứng thực?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thuê một người tư vấn, một người mentor hoặc coach cho bạn những lời khuyên khủng khiếp như trên - lời khuyên bạn làm ngược lại với mục tiêu – giá trị của bạn? Hẳn bạn sẽ chấm dứt hợp đồng tư vấn, đòi lại tiền, thậm chí còn review rất tệ về người này. Ấy vậy mà chúng ta không bao giờ quy trách nhiệm về những rắc rối do người bạn cùng phòng này đem lại. Liệu điều đó có hợp lý không?

Làm sao để thoát khỏi tiếng nói của người bạn cùng phòng đang thao túng tâm lý chúng ta này?

“Điều đầu tiên chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta sẽ không có hi vọng thoát khỏi nó trừ phi chúng ta thực sự muốn. Cho đến khi bạn học được cách quan sát người bạn cùng phòng đủ lâu để thực sự hiểu tình trạng khó chịu mà bạn đang vướng vào, từ đó bạn mới có cơ sở thực hành giúp bạn đối phó với vấn đề tâm trí.”


---



Do đó mình rút ra một điều, khi một người nào đó họ đang không hiểu về điều mà mình cho là quan trọng – cần thiết, chỉ là vì người bạn cùng phòng của họ đang rất mạnh mẽ - quá mạnh mẽ để họ có thể tĩnh lặng, quan sát và lắng nghe, để nhận ra được điều gì thực sự quan trọng với họ.

Chỉ khi nào họ ý thức được sự rủi ro – họ sẽ tìm giải pháp bảo vệ. Chỉ khi nào họ ý thức được sự cần thiết của thay đổi bản thân – họ sẽ tìm coach. Chỉ khi nào họ ý thức được sức khỏe – họ sẽ thay đổi lối sinh hoạt.

Mọi thuyết phục / chỉ bảo / lời khuyên / giải thích / lôi kéo trước quá trình đó sẽ chỉ là mất thời gian đôi bên – và làm họ khó chịu. Vậy thôi.


Còn bạn, bạn nghĩ sao về điều mình chia sẻ? Hãy cho mình biết nhé!


P/s: Những nội dung trong ngoặc kép được mình trích dẫn từ sách.

6 views0 comments
bottom of page